Trình độ công nghệ hiện nay của các doanh nghiệp ngành cơ khí
Trước hết cũng cần nhắc lại khái niệm của cuộc cách mạng trong ngành kỹ thuật: Cuộc cách mạng lần thứ nhất là thay thế sức lao động của cọn người và động vật bằng sức máy. Cuộc cách mạng lần thứ hai dựa trên việc sản xuất loạt lớn, trên cơ sở phân chia các nguyên công trong chế tạo, lắp ráp để tự động hóa hệ thống sản xuất, việc tự động hóa dựa trên cơ sở công nghệ cơ khí, điện. Cuộc cách mạng lần thứ ba dựa trên cơ sở của điện tử, internet để hoàn thiện, tối ưu dây chuyền sản xuất, hệ thống tự động hóa, các bộ điều khiển khả trình PLC bắt đầu được phát minh và sử dụng trong công nghiệp. Cuộc cách mạng lần thứ tư tiếp sau những thành tựu lần thứ ba để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới…
Để đánh giá trình độ công nghệ của ngành cơ khí ta gói gọn việc xem xét đánh giá trên các mặt quản trị doanh nghiệp, thiết kế và chế tạo. Về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói chung đã có khả năng tìm kiếm đơn hàng, thiết kế, mua sắm hàng hóa, vật tư, nộp thuế, logistic với sự trợ giúp của Internet, các mạng xã hội… tuy nhiên công việc quản trị được đánh giá là giữa 2.0 và 3.0; Về thiết kế, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp có khả năng thiết kế các sản phẩm công nghệ một cách hoàn chỉnh. Chúng ta có thể làm chủ các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tuy nhiên cũng cần phải hiểu rằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế chỉ là sử dụng các công cụ để giúp việc thiết kế được nhanh, chính xác hơn chứ không làm chủ được quá trình công nghệ thiết kế. Công việc này cũng được đánh giá ở giữa 2.0 và 3.0. Về trình độ gia công, chế tạo, đại đa số các máy móc thiết bị là cũ 2.0 trở về trước, một số doanh nghiệp đã đầu tư mới máy gia công CNC, hoặc trung tâm gia công, nhưng việc đầu tư này còn nhỏ lẻ và trong nhiều trường hợp chưa phát huy hiệu quả. Trình độ công nghệ chế tạo được đánh giá khoảng 2.0.
Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến doanh nghiệp cơ khí
Về tác động tích cực có thể sơ bộ như sau: Thứ nhất, với hệ thống lưu trữ và chia sẻ dữ liệu rất mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được khách hàng, các nhà thầu phụ, các công nghệ, dịch vụ, máy móc, thiết bị một cách thuận tiện hơn nhiều, như vậy các doanh nghiệp có điều kiện để khai thác tốt nhất năng lực của mình để tạo ra lợi nhuận; Thứ hai, các doanh nghiệp có nhiều khả năng hơn để tham gia vào chuỗi cung toàn cầu. Thay vì phải đầu tư để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh bán ra ngoài thị trường, các doanh nghiệp có thể cung cấp bán thành phẩm, hoặc chỉ một công đoạn, dịch vụ nhỏ trong chuỗi giá trị, như vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển bắt kịp với công nghệ mới nhất; Thứ ba, các doanh nghiệp có khả năng đầu tư những công nghệ tiên tién như công nghệ in 3D, công nghệ cắt gọt tiên tiến, công nghệ kỹ thuật số để tạo ra dây chuyền sản xuất với suất đầu tư không lớn, năng suất lao động, trình độ tương đương các nước phát triển.
Các rào cản đối với ứng dụng công nghiệp 4.0 tại các doanh nghiệp
Cuộc cách mạng 4.0 được nói rất nhiều trên các diễn đàn và các phương tiện truyền thông, tuy nhiên có vẻ như nó chưa xảy ra với hầu hết các doanh nghiệp của ngành cơ khí, nguyên nhân có thể sơ bộ như sau:
Hầu hết mọi người đều mơ hồ, đặc biệt các doanh nghiệp còn mơ hồ về cách mạng 4.0, xã hội đang nói về 4.0 theo phong trào.
Như định nghĩa ở trên, công nghiệp 4.0 ngoài việc có một số công nghệ gia công chế tạo mới, chủ yếu là cập nhật thông tin, giải quyết khâu kết nối nhằm tối ưu hóa hệ thống sản xuất, phân phối, hay nói cách khác nó là cái hồn của hệ thống. Nhưng để thổi hồn vào hệ thống thì hệ thống phải tồn tại đã, với ngành sản xuất cơ khí, thì chúng ta phải có hệ thống sản xuất với trình độ công nghiệp tương đương hoặc gần tương đương 3.0, tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp của chúng ta chưa có.
Thứ hai, trình độ của các nhà quản lý, người lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế, do vậy chưa có khả năng phân tích thị trường, đón bắt thị trường từ đó chưa có khả năng đầu tư những công nghệ tiên tiến theo định hướng sản phẩm.
Cuối cùng, khả năng tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ rất kém, định hướng, trợ giúp của chính phủ, bộ, ngành không rõ ràng. Khi không có nguồn công việc thì không thể nói đến 4.0.
Khuyến khích các chính sách của nhà nước để các doanh nghiệp/ngành sản xuất chế tạo ứng dụng, phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty cần làm rõ thực chất của cách mạng 4.0 cho các doanh nghiệp/ngành sản xuất chế tạo từ đó có trợ giúp, định hướng cho các doanh nghiệp. Các bộ nên thành lập các ban chỉ đạo để trợ giúp, định hướng các doanh nghiệp tham gia vào cuộc cách mạng 4.0.
Như đã nói ở trên, cuộc các mạng 4.0 tác động vào khâu tìm kiếm công việc, quản lý, thiết kế và sản xuất, chế tạo. Các doanh nghiệp có thể chủ động trong đầu tư công nghệ mới, trong quản lý doanh nghiệp, trong thiết kế và sản xuất chế tạo, tìm kiếm đơn hàng, nhưng việc vươn ra thị trường nước ngoài hoặc bảo vệ thị trường trong nước nhiều khi vượt quá khả năng của doanh nghiệp, của một ngành, việc này liên quan đến đường lối chính sách của cả một quốc gia, rất cần có sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ. Việc này kiến nghị Chính phủ có bảo vệ và bảo hộ thị trường có thời hạn và điều kiện để ngành cơ khí có điều kiện thực hiện cuộc cách mạng 4.0.